KHÔNG TỰ Ý ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ TẠI NHÀ

 

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan, do vậy người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trường hợp khi mắc bệnh cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Không tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ tại nhà

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh ít để lại di chứng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, lao động. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại sau khỏi bệnh, dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc. 

Khi có các biểu hiện đau mắt đỏ, người bệnh nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực.

Khi người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng nặng.

Tuyệt đối không sử dụng những biện pháp dân gian như:  Dùng lá trầu không, lá dâu tằm hơ nóng đắp lên mặt hoặc một số bà mẹ dùng sữa mẹ nhỏ mắt cho trẻ sơ sinh… Những biện pháp này sẽ làm bệnh nặng và có những biến chứng vô cùng nguy hiểm làm cho mắt dễ bội nhiễm gây viêm loét giác mạc phải điều trị thời gian dài rất tốn kém, gây giảm thị lực rất nhiều”.  

Hiện nay, thời tiết với độ ẩm cao thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh hơn nên bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, nhất là trong thời điểm giao mùa hè - thu.

Để chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện các biện pháp đơn giản nhất:

-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

- Không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; -

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh

  - Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; Cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng

- Đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.​

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng) Tổng hợp