Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023

 

Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai được thực hiện trong tháng 5 hàng năm, từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 5. Chủ đề Tuần lễ Quốc gia Phòng, chổng thiên tai năm 2023 là “Từ ứng phó đến hành động sớm" với mục tiêu: Tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; Sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai xảy ra hàng năm. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm trong năm Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai. Ngày 09/5/2023 Sở Y tế Lâm Đồng ban hành công văn số 1290/SYT-NVY về việc triển khai hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023

Theo đó nhiệm vụ chung của các đơn vị y tế: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về vai trò, tầm quan trọng, liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và các kỹ năng ứng phó trước các tình huống của thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, kịp thời tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn khi bão lũ xảy ra; chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai và cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống sự cố xảy ra; không để xảy ra tình trạng đột xuất, bất ngờ, bị động khi ứng phó thiên tai; tiếp tục duy trì, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", "ba sẵn sàng" nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của nhà nước.

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định cũng như các phương án, kế hoạch thực hiện phòng chống thiên tai ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh; giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác PCTT và TKCN.

 Xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh đến nơi an toàn trong các trường họp thiên tai thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.

Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực cấp cứu ngoại viện, trực hậu cần và báo cáo thường xuyên, đột xuất theo qui định; duy trì các hình thức thông tin liên lạc không để xảy ra mất liên lạc trong thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy, phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn trong đơn vị.

Ảnh minh họa

 Tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ có thai, quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính; các cơ sở y tế trong vùng bị ảnh hưởng cần sớm đưa vào hoạt động để chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng thiên tai.

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác thu nộp quỹ phòng, chống thiên tai để chủ động, kịp thời trong triển khai nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2023.

                                          Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)