HƯỞNG ỨNG NGÀY HEN TOÀN CẦU 02/5/2023

       Nhằm nâng cao kiến thức của bệnh nhân hen và tầm quan trọng trong việc kiểm soát bệnh hen trong cộng đồng, phát hiện bệnh sớm và các biện pháp dự phòng. Ngày Hen toàn cầu năm 2023 với chủ đề “Khép lại khoảng cách trong chăm sóc bệnh nhân hen”. với mong muốn thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc bệnh nhân hen, đồng thời giúp thực hiện và chia sẻ các giải pháp kinh nghiệm trong cộng đồng.

            Bệnh hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.

            * Cơn hen phế quản điển hình:

            Giai đoạn khởi phát: Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng; thời gian xuất hiện tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tiếp xúc dị nguyên hô hấp, thức ăn, gắng sức, không khí lạnh, nhiễm vi rút đường hô hấp trên,... Các triệu chứng đầu tiên như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, ho từng cơn, bồn chồn... nhưng không phải lúc nào cũng có.

        Giai đoạn lên cơn: Cơn khó thở xảy ra, khó thở chậm, khó thở kỳ thở ra xuất hiện nhanh. Trong cơn hen, lồng ngực người bệnh căng ra, các cơ hô hấp nổi rõ, có thể có tím ở đầu tay chân sau đó lan ra mặt và toàn thân. Nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài. Đứng xa có thể nghe tiếng rít hay khò khè của người bệnh. Nghe phổi có nhiều ran rít và ran ngáy. Cơn khó thở dài hay ngắn tùy theo từng người bệnh.

          Giai đoạn lui cơn: Sau vài phút hay vài giờ, cơn hen giảm dần, người bệnh ho khạc đờm rất khó khăn, đờm đặc quánh, có nhiều hạt nhỏ như hạt trai. Lúc này nghe phổi phát hiện được nhiều ran ẩm, một ít ran ngáy. Khạc đờm nhiều báo hiệu cơn hen đã hết.

         Giai đoạn giữa các cơn: Giữa các cơn, các triệu chứng trên không còn. Lúc này khám lâm sàng bình thường. Tuy nhiên, nếu làm một số trắc nghiệm như gắng sức, dùng acetylcholine, thì vẫn phát hiện tình trạng tăng phản ứng phế quản.

            * Cách phòng ngừa bệnh hen phế quản:

            Bệnh hen phế quản không thể chữa dứt điểm. Do vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh hen phế quản càng sớm ở giai đoạn đầu sẽ kiểm soát được bệnh và không làm bệnh phát triển nặng thêm. Nguyên tắc trong phòng ngừa bệnh hen phế quản là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bao gồm:

            * Tránh gặp các tác nhân gây hen phế quản:

            Các tác nhân thường gặp gây ra bệnh hen phế quản bao gồm: Vật nuôi, bọ trong nhà, gián, phấn hoa, ẩm mốc, khói thuốc, hóa chất, một số loại thức ăn. Cách phòng ngừa tốt nhất là hãy tránh xa các tác nhân gây ra căn bệnh này.

            Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi, thú cưng như chó, mèo, chim cảnh,…Đeo khẩu trang khi ra đường: Không khí hiện nay rất ô nhiễm. Do đó, nếu muốn tránh xa các thành phần khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại trong không khí cần sử dụng khẩu trang mỗi khi ra đường. Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia,… thuộc nhóm dễ gây dị ứng. Người có nguy cơ mắc bệnh hen phế quản nên thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn này. Dọn dẹp nhà cửa đều đặn: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Đây là một trong những cách loại bỏ tác nhân gây nên những cơn hen phế quản đơn giản, dễ thực hiện.

            * Tập thể dục hợp lý và sử dụng các thực phẩm để tăng sức đề kháng:

            Để cơ thể khỏe mạnh, mỗi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Thực đơn hàng ngày bảo đảm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như đạm, chất béo, chất xơ,... Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể, các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh,...

            Rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen phế quản rất tốt. Tuy nhiên, nên tránh tập luyện lâu ngoài trời lạnh hoặc tập quá sức bản thân.

            * Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh:

            Không khí lạnh là một trong những tác nhân dễ gây ra những đợt hen cấp và các bệnh đường hô hấp khác. Vào thời tiết giao mùa hay trở lạnh, giữ ấm cơ thể bằng cách chuẩn bị găng tay, tất, khăn, mũ, áo khoác dày để bảo vệ cơ thể.

            * Thực hiện tầm soát hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD):

       Cách tốt nhất để chẩn đoán chính xác bệnh hen phế quản là thực hiện tầm soát hen và COPD. Khám lâm sàng chuyên khoa hô hấp, chẩn đoán hình ảnh qua chụp X - Quang phổi, đo hô hấp ký có thử thuốc và xét nghiệm công thức máu,... để kiểm tra tình trạng hệ hô hấp./.

                                                                                   Hoàng Thị Nhung (Khoa PCBKLN-CDC Lâm Đồng)