HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM 2024

Ngày 24/01/2024, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Bộ Y tế với điểm cầu UBND, Sở Y tế các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế các vùng miền. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị, cùng tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc/ thuộc Bộ y tế và các bộ, ngành. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2023, phân tích các tồn tại, vướng mắc và đưa ra các giải pháp trọng tâm của công tác phòng, chống dịch năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024 nhiều quốc gia trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số mắc, nhập viện do COVID-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.  

 

Các đại biểu tham dự hội nghị ở điểm cầu Bộ Y tế

Báo cáo về tình hình dịch bệnh lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết: Năm 2023 không ghi nhận các trường hợp mắc cúm độc lực cao ở người như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9); Các bệnh truyền nhiễm khác không ghi nhận ổ dịch lớn, tình hình ổn định và cơ bản được kiểm soát. Về dịch bạch hầu cả nước ghi nhận 57 ca mắc, 07 trường hợp tử vong. Về dịch bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận 137 ca mắc (02 ca ghi nhận năm 2022), 06 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiếp tục xuất hiện, các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, nóng ấm, mưa nhiều, thời tiết thay đổi bất thường, nguy cơ lây lan các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... rất lớn.  

 

Các điểm cầu tham gia hội nghị

Trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến tình hình dịch bệnh (COVID-19, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu…); đánh giá, phân tích, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác dự phòng, giám sát và kiểm soát dịch, tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện phát hiện sớm ca bệnh, tác nhân gây bệnh ngay từ cửa khẩu, tại cơ sở y tế và trong cộng đồng để xử lý kịp thời, triệt để và triển khai công tác tiêm chủng an toàn, hiệu quả. Tổ chức tốt các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị. Chủ động cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe và thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để chỉ đạo các đơn vị ngành y tế tổ chức triển khai tổng thể công tác y tế đảm bảo đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn tiết kiệm, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các dịch bệnh thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm.

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)