ĐAU MẮT ĐỎ CHỚ COI THƯỜNG

 

Thời gian gần đây, đau mắt đỏ hiện đang có dấu hiệu gia tăng và lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Trong đó, nhiều trường hợp tự ý mua thuốc về điều trị, bệnh không khỏi mà trở nặng, gây biến chứng suy giảm thị lực.

Bệnh đau mắt đỏ là cách gọi dân gian, bệnh biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt bệnh còn có dấu hiệu: nhiều tiết tố (ghèn, dử mắt), kèm theo sưng nề mi mắt, cộm xốn, chảy nước mắt,…

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ như: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, hóa chất hoặc các tác nhân vật lý… nhưng hay gặp nhất là 2 nhóm nguyên nhân  do vi khuẩn và virus với các biểu hiện lâm sàng khác nhau . Tuy nhiên, ở Việt Nam do môi trường khí hậu nóng ẩm kèm theo điều kiện vệ sinh, thông khí tại một số nơi chưa được đảm bảo.

 Đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra quanh năm, tuy nhiên có thể có 1 vài đợt dịch bùng lên vào vụ hè – thu hoặc thu - đông. Bệnh thường kéo dài trong khoảng hai tuần và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp diễn biến bất thường và có thể gây ra các biến chứng.

Điều trị đau mắt đỏ không quá khó khăn, chủ yếu là vệ sinh mắt, nâng cao thể trạng và sức đề kháng cùng với các thuốc nhỏ tại chỗ làm giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh…  Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì nếu điều trị không đúng có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.

 

 

Các khuyến cáo:

- Khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần tới khám và điều trị tại các bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị và theo dõi kịp thời.

- Tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người này điều trị cho người khác, đặc biệt là những thuốc có Corticosteroid khi không có chỉ định của bác sĩ.

- Không nên điều trị theo các kinh nghiệm dân gian: xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm và nguy cơ bội nhiễm.

- Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như sau: Chườm lạnh lên mi mắt giúp giảm đau và dễ chịu; Rửa mắt, làm mềm, sạch ghèn (dử) bằng nước muối sinh lý, vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và trước khi tra thuốc; Dinh dưỡng, bổ sung vi chất và vitamin C để tăng cường sức đề kháng như nước cam, chanh… Cách ly bằng cách đeo khẩu trang, tránh dùng các đồ dùng chung như cốc uống nước, khăn lau, thuốc tra mắt để hạn chế lây lan. Trẻ nhỏ nên cho nghỉ học để vừa đảm bảo vệ sinh, tuân thủ điều trị và phòng lây lan cho cộng đồng.

                                                  Nguyễn Thơm (Tổng hợp)