CẢNH GIÁC VỚI VIÊM MÀNG NÃO MÔ CẦU
Viêm màng não mô cầu được xếp là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với các ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Bệnh nguy hiểm khi gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.
Viêm màng não mô cầu là gì?
Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, truyền nhiễm qua đường hô hấp, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh thường xuất hiện tái phát trong năm và có thể gia tăng vào mùa thu, mùa đông, và mùa xuân. Bệnh viêm màng não mô cầu có thể điều trị được, với tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 85-95% nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Triệu chứng khi mắc bệnh viêm màng não mô cầu
Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, vì vậy, triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và bao gồm:
- Sốt cao đột ngột.
- Đau đầu dữ dội.
- Buồn nôn, nôn.
- Cổ cứng.
- Tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê.
- Tử ban điển hình xuất hiện sau sốt, có màu đỏ thẫm hoặc tím thẩm.
Ở những địa phương có bệnh lưu hành, có đến 5-10% người nhiễm không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể truyền bệnh.
Cách phòng tránh viêm màng não mô cầu
Để phòng ngừa viêm màng não mô cầu, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp sau:
-Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, đặc biệt ở các khu vực có bệnh lưu hành, để người dân có thể nhận biết và báo cáo sớm bệnh, đồng thời thực hiện cách ly và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.
- Giữ vệ sinh nơi sống và môi trường xung quanh.
- Giám sát các địa điểm đã có dịch, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.
- Điều trị đầy đủ và kịp thời các bệnh nhân, cũng như điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.
- Áp dụng biện pháp giám sát dịch tễ học nghiêm ngặt ở những nơi có nguy cơ cao.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của viêm màng não mô cầu, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
BS Quốc Huy – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)