BỆNH BẠCH HẦU - CÁCH  PHÒNG BỆNH

Bệnh bạch hầu là bệnh cấp tính do vi khuẩn, thường xuất hiện ở hệ hô hấp gồm tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra cũng gặp trên da, kết mạc mắt, hoặc bộ phận sinh dục.

Nguyên nhân của bệnh là do một loại vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra, đây là một dạng trực khuẩn tại chỗ, có khả năng sản sinh độc tố, nhưng không di chuyển. Cơ chế hoạt động của các độc tố này là ức chế quá trình tổng hợp tế bào ở khu vực tiếp xúc, thường là hầu họng.

Sau khi tế bào chết sẽ tạo thành các màng giả bám xung quanh họng, còn vi khuẩn sẽ theo máu đi khắp cơ thể, gây tổn thương nghiêm trọng các hệ cơ quan khác như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hoá. Ngày nay, đã có vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu lây lan trực tiếp bằng các giọt bắn qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc với người bệnh, hoặc bệnh có thể lây lan qua các vật dụng có dính dịch tiết của bệnh nhân bị bạch hầu. Ngoài ra vi khuẩn cũng có thể xâm nhập qua vết thương trên da và gây bệnh bạch hầu da.

Triệu chứng bệnh bạch hầu thường xuất hiện sau khoảng 2-5 ngày, thường khó phân biệt với cảm lạnh, viêm họng thông thường, cụ thể:

- Sốt, ớn lạnh: Dấu hiệu sốt nhẹ xuất hiện trong vài ngày đầu sau khi phơi nhiễm, nhiệt độ từ 38 độ C đến 39 độ C. Bên cạnh đó có kèm thêm ớn lạnh, mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, cảm thấy mất sức sống.

- Đau họng, khó nuốt: Dấu hiệu đau rát và khó chịu ở họng, tương tự như các bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên triệu chứng có xu hướng nặng hơn và kéo dài. Cảm giác đau tăng lên khi nuốt thức ăn, uống nước, hay thậm chí nuốt nước bọt.

- Sưng các hạch ở cổ, mang tai, dưới cằm: Các hạch bạch huyết ở cổ, cằm có thể sưng to, gây đau đớn. Khi bệnh trở nặng thường kèm với sưng cổ, tạo thành hình dáng cổ bò, cơn đau tăng lên khi chạm vào và di chuyển đầu. Ngoài ra còn cảm thấy khát nước, người xanh xao, môi khô, và bị tiêu chảy. Sau 3-7 ngày, quan sát họng thấy có màng giả màu trắng, hoặc xám xuất hiện xung quanh cổ họng, amidan và kèm thêm các triệu chứng như:

- Cổ họng sưng to, cảm giác áp lực, không thể nuốt thức ăn.

- Khó thở, khó nói chuyện, khàn tiếng, mất tiếng. Dấu hiệu thường xuất hiện khi màng giả lan rộng xuống thanh quản, chèn ép vào đường thở. Ngoài ra có kèm ho khan kéo dài, thậm chí ngạt thở.

- Thị lực kém dần, khó nhìn, đặc biệt khi nhìn xa.

- Có các dấu hiệu sốc nhiệt, mặt tái nhợt, nhiệt độ cơ thể rối loạn, đổ mồ hôi.

- Thậm chí nhiều trường hợp nặng có kèm rối loạn nhịp tim, nhiễm độc thần kinh, liệt cơ, nói lắp, rối loạn lo âu, sợ hãi.

https://www.dongnaicdc.vn/UserFiles/Images/2024/Thang%207/image002.jpg

Để phòng bạch hầu, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng vắc xin. Tại Việt Nam hiện nay không có vắc xin riêng lẻ phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:

Vắc xin 3 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà.

Vắc xin 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt.

Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB.

Vắc xin 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB – Viêm gan B.

  

BS Quốc Huy – Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)