TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TOÀN TỈNH

 

Tính đến ngày 03/11/2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 3.943 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 205 ca so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh Tay chân miệng có 1.056 ca mắc, tăng 596 ca so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh đau mắt đỏ có 12.343 ca mắc. Hiện toàn tỉnh có 03 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại thành phố Bảo Lộc.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, Đau mắt đỏ, Đậu mùa khỉ và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch trên địa bàn; Ngày 08/11/2023 Sở Y tế Lâm Đồng ban hành văn bản số 3510/SYT-NVY về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đề nghị Phòng Y tế các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Chỉ đạo các Phòng khám tư nhân trên địa bàn khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm trong danh mục bệnh được quy định tại Mục 1, Mục 2, Mục 3, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế phải thông báo ngay cho Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn để thực hiện việc điều tra, xác minh, thông tin, báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Họp Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện, thành phố để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn:

Đối với công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết: Huy động các phòng, ban, ngành tại địa phương tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Thành lập các đoàn giám sát hoạt động xử lý ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo 100% các ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường truyền thông trên loa phát thanh xã, phường, thị trấn để người dân hiểu được nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Người dân chủ động thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển

 

Đối với công tác phòng chống bệnh Tay chân miệng: Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tới giáo viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, người dân về cách phòng bệnh, nhận biết, phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng, cách ly sớm các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng. Thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng như: vệ sinh môi trường; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; thường xuyên thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh mặt bàn, ghế và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường khác...

 

Khám sức khỏe cho trẻ tại Trường Mầm non Anh Đào – Đà Lạt

 

Đối với công tác phòng chống bệnh đau mắt đỏ: Tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; Thường xuyên tuyên truyền các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế: Khuyến cáo người bệnh đến cơ sở khám bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức; Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tới giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, về cách phòng bệnh, nhận biết, phát hiện sớm, cách ly sớm và điều trị kịp thời các trường hợp mắc.

Đối với công tác phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ: Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khuyến cáo người dân đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.

                                Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)