NGUYÊN NHÂN VÀ CON ĐƯỜNG LÂY NHIỄM VIÊM GAN B

Các nguyên nhân của bệnh viêm gan bao gồm: 

Nhiễm virus Có khá nhiều loại virus gây viêm gan, phổ biến là viêm gan A, B, C, D, E, G. Bên cạnh đó còn có một số loại virus khác như MV, EBV, virus herpes…

Nhiễm ký sinh trùngPlasmodium falciparum – ký sinh trùng sốt rét và một số loại amip là những kí sinh trùng có khả năng gây viêm gan. Gan bị sưng to và các chức năng của gan như lọc chất độc, dự trữ chuyển hoá của gan bị trì trệ nếu bị nhiễm bệnh.

Viêm gan tự miễn Là do hệ miễn dịch tấn công vào tế bào gan. Bệnh này ít gặp và chưa xác định được nguyên nhân gây ra viêm gan tự miễn. Trong một số trường hợp bệnh có thể do các chát độc tích tụ trong cơ thể hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc gây ra, nó có thể làm tổn thương gan dẫn đến các chức năng của gan bị suy giảm

Nhiễm độc Rượu bia là thức uống có hại gây độc cho gan. Việc lạm dụng bia trong thời gian dài khiến gan bị viêm, bị nhiễm mỡ, tế bào gan bị hoại tử hoặc xơ gan. Những tổn thương do nhiễm độc từ rượu bia và thuốc thường là cấp tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mãn tính.

Các đường lây nhiễm viêm gan B:

1. Mẹ sang con. Đường lây truyền từ mẹ sang con là đường lây nguy cơ cao, có thể lên đến 90% trẻ sơ sinh bị viêm gan B mạn tính nếu mẹ có nồng độ viêm gan B cao và không áp dụng biện pháp phòng ngừa lây cho con. Có 3 giai đoạn mà mẹ có thể lây truyền virus viêm gan B cho con nhưng không phải giai đoạn nào cũng có tỷ lệ nhiễm như nhau.

Giai đoạn mang thai: Vì tính chất của virus viêm gan B là lây bằng đường máu. Trong giai đoạn này, do sự tiếp xúc của mẹ và thai nhi bị ngăn bởi nhau thai nên tỷ lệ thai nhi bị nhiễm bệnh từ mẹ là rất thấp, chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, mẹ bị viêm gan B cần lưu ý hạn chế làm tổn thương hàng rào nhau thai để giảm thiểu nguy cơ máu của mẹ tiếp xúc với thai nhi, nhất là từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi.

Trong lúc chuyển dạ và sinh con: Đây là thời điểm mà tỷ lệ lây truyền cao nhất, lên đến 90%. Khi chuyển dạ, tử cung bắt đầu co thắt kéo theo sự co thắt của mạch máu xung quanh nhau thai. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm virus HBV khi tiếp xúc với máu của mẹ hoặc thông qua dịch âm đạo khi trẻ chui qua âm đạo của mẹ.

Giai đoạn cho con bú: Viêm gan B ít lây qua đường cho con bú, mặc dù DNA của virus HBV có nằm trong sữa non của mẹ bị nhiễm bệnh nhưng với nồng độ thấp. Điều này dẫn đến việc viêm gan B lây theo đường từ mẹ sang trong giai đoạn này hầu như là ít gặp nếu bé được tiêm ngừa đầy đủ vaccine viêm gan B và HBIG sau khi sinh.

2. Quan hệ tình dục. Con đường lây nhiễm của viêm gan B thông qua quan hệ tình dục được xem là một trong những đường lây nhiễm có tỷ lệ mắc bệnh cao. Việc quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn không chỉ khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tình dục mà còn tăng khả năng nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác. Viêm gan B là một trong những loại bệnh có thể lây qua đường quan hệ bằng việc tiếp xúc với tinh dịch và dịch âm đạo.

3. Đường máu (truyền máu, một số thủ thuật như phẫu thuật, nha khoa, xăm,..)

Viêm gan B được biết là loại bệnh lây truyền qua đường máu bởi vì trong máu có chứa nồng độ virus HBV rất cao. Bất cứ trường hợp nào bạn tiếp xúc với máu hoặc được truyền máu từ người dương tính với viêm gan B đều có thể bị nhiễm virus HBV.

4. Dùng chung kim tiêm. Dùng chung kim tiêm hoặc là tái sử dụng lại kim tiêm cũng là một con đường nguy hiểm để truyền virus viêm gan B cho người khác Nhiễm bệnh khi dùng chung kim tiêm là một dạng của nhiễm bệnh qua đường máu. Vì kim tiêm đã qua sử dụng (có thể là nhiều ngày trước đó), kể cả là kim tiêm sử dụng bên ngoài hay trong môi trường y tế, đều chứa các virus, vi khuẩn. Đây là tác nhân gây ra những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có viêm gan B.

5. Dùng chung đồ dùng cá nhân (dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ cắt móng,..) Sử dụng chung đồ dùng cá nhân có chứa máu, dịch tiết của người bị viêm gan B khiến bạn có thể bị lây nhiễm virus từ người đó. Một số vật dụng cá nhân bạn tuyệt đối không sử dụng chung (dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ cắt móng). 

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)