HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI

 

Chiều ngày 15/3/2025, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh sởi. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện Cục Phòng bệnh, Quản lý Khám chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế… và đại diện Bệnh viện Nhiệt đới, Bạch Mai, Nhi Trung ương và Đại diện Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Y tế, phòng nghiệp vụ; Trung tâm kiểm soát bệnh tật; các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống bệnh sởi

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh có vắc xin phòng bệnh từ lâu như sởi, ho gà... có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình một người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. Tại Việt Nam, việc biến đổi khí hậu làm cho tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc sởi có xu hướng tăng. “Thời gian qua số ca mắc sởi có giảm so với giai đoạn trước đây nhưng theo chu kỳ 5 năm 1 lần thì hiện là chu kỳ của dịch sởi bùng phát. Năm 2024, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, công điện triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, ngoài tiêm thường xuyên trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm lứa tuổi thấp hơn hoặc cao hơn). Trong quá trình triển khai đến năm 2025, các trường hợp mắc sởi vẫn còn phức tạp”.

Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 38.807 ca nghi sởi trên cả nước, trong đó có 3.447 ca dương tính với sởi tại 61 tỉnh, thành phố; 5 ca tử vong liên quan đến sởi. Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận số ca cao nhất (57%), miền Trung chiếm 19,2%, miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%). Bệnh có xu hướng tăng cao từ cuối năm 2024 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2025. Đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%). Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%). Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, tuy nhiên đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trên cả nước còn thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa dịch bệnh.      

Trong bối cảnh dịch bệnh sởi có thể tiếp tục gia tăng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh và chủ động báo cáo tình hình dịch bệnh. Đồng thời, các địa phương cần huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, không chỉ riêng ngành y tế, để cùng đối phó với dịch sởi. Các biện pháp tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin và tạo miễn dịch cộng đồng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.

Bệnh sởi là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền các cấp và sự hợp tác của người dân trong việc tiêm vắc xin, dịch bệnh có thể được kiểm soát và ngừng lây lan. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức về vai trò của vắc xin trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay.

Dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi thấp. trên cơ sở triển khai quyết liệt hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như khoanh vùng, dập dịch và tiêm chủng vắc xin... tình hình dịch bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát; sẽ từng bước được khống chế để hạn chế lây lan, bùng phát và số trường hợp mắc bệnh. Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức, ưu tiên đảm bảo nhân lực, hậu cần, kinh phí, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi, phải hoàn thành trước ngày 20 tháng 3 năm 2025;

Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề xuất UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi; Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 trên địa bàn, ưu tiên tiêm cho trẻ ở các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc sởi; Không để tình trạng thiếu kinh phí, thiếu thiết bị, vật tư y tế, không đủ nhân lực y tế làm trì hoãn, chậm tiến độ tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi; Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch sởi trong cộng đồng, áp dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với người dân, nhất là với đồng bào dân tộc để vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều vắc xin phòng bệnh sởi và đi khám, chữa bệnh kịp thời khi có các dấu hiệu mắc bệnh sởi…;

Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tỉnh, thành phố tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi kịp thời. Chủ động phối hợp với các địa phương cập nhật kết quả đánh giá nguy cơ, xác định các khu vực nguy cơ cao để đề xuất các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng phù hợp với diễn biến thực tế; Khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức tập huấn triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhất là đối với việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng được bổ sung trong kế hoạch; kịp thời phân bổ vắc xin và thường xuyên giám sát hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức triển khai;

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Bệnh viện tuyến Trung ương: Chỉ đạo tăng cường phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong;

Cục Phòng bệnh: Tiếp tục đôn đốc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cập nhật tình hình dịch trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo, tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; Đồng thời tham mưu các giải pháp phòng, chống các bệnh có vắc xin dự phòng, nhất là bệnh sởi;

Văn phòng Bộ, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ Trung ương, Báo Sức khoẻ Đời sống đẩy mạnh công tác truyền thông; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh và cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Tập trung thông tin, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; khuyến khích tiêm vắc xin phòng sởi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế tổ chức triển khai các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các Viện, các đơn vị y tế địa phương giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hoạt động tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.

 

Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)