CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2023. Đồng thời, ngày 29/10/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3985/QĐ-BYT về việc hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19, thay thế Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19.

Bệnh COVID-19 do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Vi rút gây bệnh thường xuyên biến đổi tạo nên các biến thể mới với khả năng lây lan nhanh. Kết quả giám sát cho thấy phần lớn các biến thể lưu hành phổ biến trên thế giới đều có ghi nhận tại Việt Nam. Vi rút SARS-CoV-2 lưu hành phổ biến nhất hiện nay trên thế giới và Việt Nam đều thuộc biến thể Omicron.

SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (qua giọt bắn là chủ yếu) và qua bàn tay tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt bị nhiễm SARS-CoV-2 rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua hạt khí dung ở trong những không gian kín, đông người và thông gió hạn chế hoặc nơi có nhiều thao tác tạo khí dung như trong các cơ sở điều trị. Thời gian ủ bệnh trung bình hiện nay khoảng 4 ngày. Người bệnh COVID-19 có thể phát tán vi rút và lây cho người khác từ 2 ngày trước khi khởi phát cho tới 3 ngày sau khi hết triệu chứng. Người không triệu chứng vẫn có thể đào thải vi rút và lây nhiễm cho người khác.

Người nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ hoặc có biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nhiễm khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan và tử vong. Nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai. Hiện bệnh đã có vắc xin dự phòng và có thuốc kháng vi rút để điều trị.

Ngày 05 tháng 5 năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, tuy nhiên khuyến cáo các nước vẫn cần triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống, chuyển từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Bộ Y tế nêu rõ, mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh COVID-19 sau:

1. Khuyến khích thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông cộng cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi ngờ.

3. Nâng cao sức khỏe: có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

4. Tăng cường thông khí, vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, trường học, nơi làm việc.

5. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở ...).

6. Cơ sở giáo dục, cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh hướng dẫn học sinh, sinh viên, người lao động thực hiện các biện pháp phòng bệnh nêu trên.

7. Tiêm vắc xin phòng COVID 19 theo đúng hướng dẫn của Bộ y tế.

BS. Nguyễn Quốc Huy - Thụy Hợp (CDC Lâm Đồng)