BỆNH TẢ VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG

BỆNH TẢ (Cholera)
Bệnh tả thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

ICD-10 A00: Cholera

 

          Mùa mưa bão đang diễn ra, thời tiết bất thường kèm theo lũ lớn đổ về gây ngập lụt và tình trạng ô nhiễm môi trường là điều kiện thuận lợi làm cho Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói chung, bệnh tả nói riêng có nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân. Trong đó, những người có nguy cơ cao với bệnh tả là: những người tiếp xúc gần gũi (cùng ăn, uống, sinh hoạt) với bệnh nhân tả; dân cư tại vùng sử dụng hố xí không hợp tiêu chuẩn vệ sinh; sử dụng nước bề mặt (ao, hồ, kênh, mương, sông...) bị ô nhiễm; có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, ăn rau sống, thực hành vệ sinh chưa tốt, ăn hải sản chưa chín, dùng phân tươi trong trồng trọt; khu vực cửa sông, ven biển; vùng bị ngập lụt và sau ngập lụt...

          Do đó, để cùng với sự nỗ lực phòng chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, chúng ta cần tìm hiểu về bệnh tả nhằm nắm được và nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn ngành chuyên môn, nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

1. Đặc điểm của bệnh:

          - Thời gian ủ bệnh: Từ vài giờ tới 5 ngày, thường từ 2 tới 3 ngày.
          - Thời kỳ lây bệnh: Bệnh lây mạnh nhất ở thời kỳ toàn phát của bệnh. Thời gian thải phẩy khuẩn tả thường kéo dài khoảng 1 tuần sau khi hết tiêu chảy cấp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 75% người nhiễm phẩy khuẩn tả không có biểu hiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, họ vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng 7- 14 ngày. Số lượng phẩy khuẩn tả trong phân người lành mang khuẩn thấp hơn nhiều so với ở người mắc bệnh. Sau vụ dịch tả có một tỷ lệ nhỏ khoảng 3% đến 5% bệnh nhân các thể có khả năng mang vi khuẩn kéo dài một vài tháng, đôi khi kéo dài hàng năm nếu không được điều trị đúng.

          - Các triệu chứng biểu hiện như:

                    + Nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hoá bắt đầu là đầy bụng và sôi bụng;               

                   + Tiêu chảy, lúc đầu có phân lỏng, sau chỉ toàn nước. Bệnh  tiêu chảy liên tục, nhiều lần, phân toàn nước, nước phân đục như nước vo gạo. Số lần tiêu chảy và số lượng nước mất thay đổi tùy từng trường hợp nặng nhẹ khác nhau.

                    + Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ toàn nước trong hoặc vàng nhạt.

                    + Bệnh nhân không đau bụng, không sốt, người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh...

          - trẻ em:  Trường hợp nặng có thể có triệu chứng co giật do hạ đường máu. Đôi khi trẻ có biểu hiện sốt nhẹ.

          - Phân biệt với:

                   + Nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do Salmonella;

                   + Lỵ trực khuẩn, Escherichia coli gây bệnh;  

                   + Do độc tố của tụ cầu;  

                   + Do ăn phải nấm độc;

                   +Tiêu chảy do ngộ độc hoá chất.

          -  Xét nghiệm:

                   + Loại bệnh phẩm: Bệnh phẩm thu thập để xét nghiệm là phân, chất nôn, thực phẩm, nước... Mẫu phân tươi.

                   + Phương pháp xét nghiệm: Soi tươi, Phân lập vi khuẩn, Kỹ thuật di truyền phân tử, Xét nghiệm huyết thanh học.

2. Tác nhân gây bệnh:

          - Phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) thuộc họ Vibrionaceae là vi khuẩn Gram âm, có hình thể giống dấu phẩy, không sinh nha bào.

          - Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài:

                    + Phẩy khuẩn tả dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (800C/5 phút), bởi hoá chất (Clo 1 mg/lít) và môi trường axit. Khô hanh, ánh nắng mặt trời cũng làm chết phẩy khuẩn tả.

                    +  Nó có thể tồn tại lâu trong phân, đất ẩm, nước, thực phẩm. Trong đất, phẩy khuẩn có thể sống 60 ngày, trong phân 150 ngày, trên bề mặt thân thể 30 ngày, trong sữa 6-10 ngày, trên rau quả 7-8 ngày, trong nước 20 ngày.

                    +  Nhiệt độ 250C- 370C, nồng độ muối 0,5 đến 3%, độ pH kiềm (7 - 8,5) và giàu chất dinh d­ưỡng hữu cơ trong nước là những điều kiện tối ưu cho phẩy khuẩn tả tồn tại.

4. Nguồn truyền nhiễm như: Bệnh nhân tả; Người lành mang phẩy khuẩn tả; Ổ chứa trong thiên nhiên.

5. Phương thức lây truyền:

          - Bệnh tả lây theo đường tiêu hoá, qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người hoặc phân động vật và qua thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, bởi nước bẩn, qua bàn tay bẩn và ruồi, nhặng  nhiễm phy khuẩn tả.

          - Những yếu tố làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh tả là: phong tục tập quán sinh hoạt, thiếu nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm đặc biệt là thức ăn đường phố, tình trạng mất vệ sinh ở những vùng sau lũ lụt, thảm hoạ,...

6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch:

          Phẩy khuẩn tả chỉ gây bệnh ở người. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, tính cảm nhiễm bệnh phụ thuộc vào mỗi cá thể và liều nhiễm khuẩn. Ở các khu vực lần đầu tiên bệnh tả xuất hiện thành dịch, các vụ dịch tả thường diễn biến rầm rộ, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Cơ thể sau khi mắc bệnh hoặc nhiễm khuẩn không triệu chứng đều có miễn dịch đặc hiệu với chủng tả gây bệnh có thể đến 3 năm. Nhìn chung, miễn dịch thu được trong bệnh tả là vững chắc nhưng không lâu bền như­ trong thương hàn và sởi.

7. Các biện pháp dự phòng:

          - Tuyên truyền giáo dục cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng  các biện pháp thực hành vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh) vệ sinh môi trường (sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không vứt rác xuống các ao, hồ gây ô nhiễm nguồn nước, diệt ruồi); an toàn vệ sinh thực phẩm (ăn chín, uống chín); bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch; khi có người bị tiêu chảy cấp, nhanh chóng báo cáo cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

          - Tăng cường cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

          - Tăng cường việc thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tại các cơ sở chế biến thực phẩm, chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, thức ăn đường phố...

          - Duy trì thường xuyên việc giám sát các trường hợp tiêu chảy cấp, đặc biệt chú ý các vùng trọng điểm và vào mùa dịch, kịp thời phát hiện các ca bệnh đầu tiên.

          - Luôn sẵn sàng có đội cơ động phòng chống dịch ở từng tuyến. Chuẩn bị các cơ số dự trữ cho chống dịch tả.

          - Gây miễn dịch chủ động bằng vắc xin.

Lê Hoài Nam (CDC Lâm Đồng)