SỞ Y TẾ LÂM ĐỒNG CHỈ ĐẠO TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH DO VI RÚT ADENO

 

Đến giữa tháng 9/2022, cả nước phát hiện 412 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno, trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện. Số ca mắc có xu hướng tăng mạnh từ tháng 8 đến nay.

Tại Việt Nam, bệnh do virus Adeno lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Bệnh thường xảy ra tản phát trong suốt năm, có năm xảy ra dịch và tần số mắc bệnh thường tập trung vào những tháng Xuân - Hè nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus. Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 06 tháng đến 05 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ

Thực hiện Công văn số 1059/BYT-DP ngày 21/9/2022 của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh do vi rút Adeno; Ngày 23/9/2022 Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 2556/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh do vi rút Adeno, yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi tình hình bệnh do vi rút Adeno gây ra để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh kịp thời và tham mưu Sở Y tế các biện pháp phòng, chống bệnh do vi rút Adeno gây ra phù hợp với tình hình tại địa phương.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo; hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tuân thủ việc báo cáo ca bệnh theo quy định.

 Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do vi rút Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm (thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...). Phối hợp với Phòng Y tế tham mưu Lãnh đạo UBND huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch và các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống bệnh do vi rút Adeno tại địa phương.                  Thái Tuyền (CDC Lâm Đồng)