Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng COVID-19

 

Ngày 30/11/2022, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan TS. Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Lâm Đồng BSCKI Đào Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị, cùng với sự tham dự của lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Khoa, Phòng liên quan.

Tại hội nghị, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã trình bày và thảo luận về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Kế hoạch phân bổ vắc xin COVID-19 trong thời gian tới; Các biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng; Báo cáo về hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu tiêm chủng và thống kê các bệnh truyền nhiễm như Sốt xuất huyết, Đậu mùa khỉ, Cúm,….; Các địa phương cũng báo cáo một số khó khăn cũng như giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng COVID-19.

 Tính đến nay, tổng số vắc xin đã được tiêm là 264.309.544 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.897.678 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.766.003 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 17.645.833 liều.

 

BSCKI Đào Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị

 

Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Xây dựng, triển khai phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định, tập huấn cho cán bộ y tế.

Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, hiệu quả của vắc xin phòng bệnh.

Tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tăng cường triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.

 

      

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

 

Về tình hình bệnh Sốt xuất huyết so với tuần trước, số ca mắc tuần này tăng thêm khoảng trên 10.000 ca mới, tương đương với các tuần trước đó. Trong những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung. Do dịch Sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.

Bộ Y tế cũng dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Ngành Y tế triển khai giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch...

Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm vắc-xin phòng COVID-19; Có phương án chủ động trước các tình huống của dịch bệnh… Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát bệnh Đậu mùa khỉ, Cúm  mùa, Sốt xuất huyết và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của Ngành Y tế.  Ninh Thu (CDC Lâm Đồng)